• youtube
  • facebook

An Giang: Ly kỳ về những hòn đá kỳ lạ linh thiêng vùng Bảy Núi

Vùng Bảy Núi vốn kỳ bí với những huyền thoại lưu truyền từ thuở lưu dân dựng làng, lập ấp. Trong tín ngưỡng tâm linh của người dân, nhiều hòn đá của dãy Thất Sơn đều có sức hút riêng với những câu chuyện đẫm màu huyền thoại.

 

Từ tín ngưỡng dân gian…

Do vận động địa chất, nhiều ngọn núi tại vùng Thất Sơn xuất hiện những hòn đá có hình thù kỳ lạ. Đó có thể là hình loài vật hay con người tùy vào trí tưởng tượng của dân gian. Tiêu biểu có thể nói đến núi Két và núi Bà Đội Om. Đây là 2 trong số gần 40 ngọn núi của vùng Thất Sơn có tên gọi gắn liền với những hòn đá có hình thù đặc biệt xuất hiện trên núi.

Khối đá hình chim két trên núi Két.

Khối đá hình chim két trên núi Két.

Qua khỏi thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên), dọc theo Tỉnh lộ 948 hướng về Tri Tôn sẽ bắt gặp ngay ngọn Anh Vũ Sơn (núi Két). Từ chân núi nhìn lên, khối đá hình chim két hiện ra sừng sững, uy nghiêm khiến khách hành hương không khỏi tò mò, thích thú. Men theo dốc đứng để lên núi khoảng hơn trăm mét sẽ đến được hòn đá này. Khi đến gần, khối đá không còn mang dáng dấp của hình chim két như nhận định ban đầu. Đó là một tập hợp gồm nhiều hòn đá chồng lên nhau tạo thành. Tuy nhiên, niềm tin của khách hành hương vào khối đá này không hề nhỏ. Nhiều người dù rất mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng đến được “chân ông Két” rồi khấn vái, cầu mong điều tốt lành. Ông Trịnh Văn Môn, người dân sống gần núi Két, thông tin: “Phía dưới mỏ két có một tổ chim yến. Theo đông y thì đây là vị thuốc rất bổ. Tuy nhiên, không ai dám leo lên lấy tổ vì sợ “ông Két”. Hơn nữa, vị trí tổ yến đóng khá xa và cheo leo nên không ai dám mạo hiểm tính mạng”.

Clip: Kinh hoàng cảnh xe tải sang đường bất cẩn bị Container “húc“ trực diện văng xa hàng chục mét
Phát hiện mới về hiệu quả mũi tiêm thứ ba
NÓNG: LĐBĐ Trung Quốc vào cuộc điều tra vì nghi ngờ cầu thủ bán độ ở trận thua Việt Nam

Trường hợp khác có thể nói đến hòn đá mang hình dáng người phụ nữ Khmer đội chiếc om trên núi Bà Đội Om. Người ta truyền nhau câu chuyện một người phụ nữ đội gạo lên núi trông chồng rồi hóa đá ở đó. Đây là dấu vết của tín ngưỡng dân gian, hình thành trong quá trình người dân đến đây sinh sống từ buổi sơ khai.

…đến huyền thoại lịch sử

Ở một chiều hướng khác, nhiều hòn đá vùng Bảy Núi lại mang sức hút riêng khi gắn bó với nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Trên bước đường gian nan gầy dựng cơ đồ, vị chúa nhà Nguyễn này đã lên ngọn núi Cấm nhằm lánh xa sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Hiện nay, trên ngọn núi cao nhất dãy Thất Sơn này vẫn còn lưu lại một số dấu vết được cho là có liên quan đến Nguyễn Ánh, tập trung tại vồ Thiên Tuế. Huyền thoại dân gian kể lại, khi đến được núi Cấm, đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh đã cấm người dân lên núi và đó là một trong những lý do giải thích tên gọi của núi Cấm như hiện nay. Anh Trần Minh Ngọc, người dân ấp Thiên Tuế (xã An Hảo, Tịnh Biên), tỏ ra am hiểu: “Theo lời của những người lớn tuổi, khi lên được núi thì nước uống và lương thực cạn khô, nhà vua ngồi trên một tảng đá cao, ông đã khấn vái trời đất rồi dùng lưỡi gươm chém xuống đá. Vết chém tạo ra 2 giếng nước ngọt trong mát cho đoàn người uống”. Thực tế, hiện nay trên tảng đá vẫn xuất hiện 2 khe nứt khá sâu, bên trong có chứa nước… mưa! Tảng đá đó được người dân gọi là giếng Gia Long. Người ta lập một ngôi miếu nhỏ để thờ tấm ảnh của Nguyễn Ánh. Xung quanh đó có rất nhiều bệ đá nhỏ cũng được hương khói thường xuyên. Dì Sáu, một khách hành hương, chia sẻ: “Nghe nói nơi này ngày xưa vua ở nên mình cũng đến coi cho biết. Người ta nói mấy bệ đá này thờ các tướng đã có công theo phò Nguyễn Ánh. Tôi không biết thế nào nhưng cũng xá mấy cái cho có lòng”.

Khối đá được cho là “ngai” vua Nguyễn Ánh.

Khối đá được cho là “ngai” vua Nguyễn Ánh.

Thông tin nóng vụ Tịnh Thất Bồng Lai, tiết lộ tình trạng của Lê Tùng Vân hậu bị khởi tố
5 ngày nghỉ việc của 5000 công nhân đầu năm mới: “Không tăng lương, chúng tôi không làm“
F0 điều trị ở nhà được nhận hỗ trợ về tiền mặt ra sao?

Cách giếng Gia Long không xa, bên kia vồ Thiên Tuế là “chiếc ngai” của vua. Đó là tảng đá có chiều dài khoảng 1m, mang hình dáng khá giống một chiếc ghế. Dân gian cho rằng, đây là nơi Nguyễn Ánh thường ngồi để bàn bạc việc quân cơ với tướng lĩnh. Người dân địa phương đã lập ngay một áng thờ, thắp hương trước “ngai vua” và không ai dám ngồi vào tảng đá vì đó là chỗ linh thiêng.

Với sự tín ngưỡng tâm linh của người dân qua nhiều thế hệ, những hòn đá này đã trở nên linh thiêng, mang đậm màu sắc huyền thoại. Chúng vẫn tồn tại qua thời gian, như lưu giữ lại một phần hình ảnh, chuyện kể về vùng đất Bảy Núi từ thuở con người đến đây khai sơn phá thạch.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sa, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, nhận định: “Những huyền thoại về các hòn đá của vùng Bảy Núi là đại diện cho tín ngưỡng đa thần tồn tại từ buổi bình minh của loài người. Đó là chỗ dựa tinh thần cho con người vượt qua khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh  những hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi bất chính của các phần tử xấu”.

create

THANH TIẾN / baoangiang.com.vn

Short URL: http://tinmoi.tintuc.vn/viewID/207801